Ngày Công Đầu Tiên Của Cu Tí

Share:

Không chỉ là tác giả của những truyện ngắn mẫu mực, nhà văn Bùi Hiển còn là nhà quản lý am tường học thuật, ân cần với bạn văn.


Đối với lứa học trò 8X, 9X, truyện ngắn Ngày công đầu tiên của cu Tí là tác phẩm thân quen khi được giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông. Tác giả Bùi Hiển không chỉ được biết tới bởi truyện ngắn này, ông còn nhiều tác phẩm gây tiếng vang cùng sự nghiệp dịch thuật phong phú.

Bạn đang đọc: Ngày công đầu tiên của cu tí

Một số ý kiến trong buổi tọa đàm “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” diễn ra hôm 16/11 tại Thư viện Hà Nội cung cấp thêm những góc nhìn về sự nghiệp văn chương Bùi Hiển.

Truyện nông thôn, truyện thành thị và cái duyên với sách giáo khoa

Nhà phê bình Nguyên An cho rằng Bùi Hiển là người viết văn xuôi - truyện ngắn xuất sắc ngay từ chùm tác phẩm đầu tiên đưa ông chạm ngõ văn đàn. 22 tuổi, ông có truyện ngắn Nằm vạ nức tiếng; được các nhà văn Thạch Lam, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng nồng nhiệt chào đón.

*
Sách Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri ra mắt dịp 100 năm ngày sinh nhà văn. Ảnh: Như Books

Truyện của Bùi Hiển thường mang bóng dáng làng quê mình. Nhà nghiên cứu Thế Phong nhận định về truyện ngắn trước 1945 của Bùi Hiển: “Truyện ngắn trước tiền chiến của ông có tính cách địa phương, viết rặt hình ảnh quê hương nơi ông sinh trưởng, cho nên Vũ Ngọc Phan cho rằng đọc Nằm vạ của Bùi Hiển âm hưởng như Eugène Roy của Pháp, tả người dân quê miền Nantes”.

Nhà văn Trương Quý cho rằng kể cả khi viết về làng quê, Bùi Hiển vẫn có nét riêng biệt. Một số nhà văn hiện thực thời ấy viết về làng quê thường cho thấy sự nghèo đói, nhếch nhác. Trong khi đó các nhà văn miền Trung như Bùi Hiển thường viết về làng quê êm đềm hơn.

Cùng viết truyện với bối cảnh đô thị, các tác giả nhóm Tự lực văn đoàn có chung vùng ngôn ngữ thành thị, ít có ngôn ngữ dân dã. Bùi Hiển lại đưa nhiều phương ngữ vào. Giống như Nguyễn Ngọc Tư đưa lời ăn tiếng nói người Nam Bộ vào tác phẩm, Bùi Hiển dùng phương ngữ của người dân thành thị khiến cho truyện trở nên sống động.

Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng truyện về thành thị của Bùi Hiển không gây sốc nhưng khiến người ta nhớ lâu. “Ông tạo ấn tượng với nhân vật, chi tiết. Điển hình như truyện Cái bóng cọc viết về đời sống thị dân có chất của người sống lâu năm cùng quan sát tinh tế về đô thị”, nhà văn Lê Minh Khuê nói.

Văn sĩ Lê Minh Khuê nhớ lại có lần bà trò chuyện cùng nhà văn Bùi Hiển về truyện Cái bóng cọc. Sau chiến tranh, dục vọng cá nhân trỗi dậy, con người trở nên ích kỷ, chỉ biết bản thân mình, truyện Cái bóng - cọc đã nói lên được điều ấy.

TS ngữ văn Trần Ngọc Hiếu đồng thời là một giảng viên tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Dưới con mắt người thầy, TS Hiếu cho rằng chương trình phổ thông cần đưa lại tác phẩm Ngày công đầu tiên của cu Tí. Ở truyện ngắn này, nhà văn đặt điểm nhìn vào đứa bé với quan sát hết sức ngây thơ, trong trẻo, nổi bật lên là tinh thần yêu lao động của trẻ em.

“Trẻ nhỏ thành thị bây giờ không có ý thức lao động nhiều, trẻ được chiều chuộng, chăm bẵm nên thiếu ý thức, niềm vui lao động. Tôi nghĩ nên đưa lại truyện Ngày công đầu tiên của cu Tí vào chương trình phổ thông”, TS Trần Ngọc Hiếu nói.

*
Các diễn giả trong tọa đàm về nhà văn Bùi Hiển, từ trái qua: Nhà văn Trương Quý, TS Trần Ngọc Hiếu, nhà văn Lê Minh Khuê, TS Nguyên An.

TS Trần Ngọc Hiếu cho biết sách giáo khoa ngữ văn những năm 1990-2000 còn đưa truyện Chiều sương của Bùi Hiển vào. Đó là truyện gây ám ảnh, nó khác với những tác phẩm trong cuốn sách giáo khoa. Đó là truyện có màu sắc lãng mạn khi viết về công cuộc mưu sinh khốc liệt của người dân làng chài.

Tác phẩm cho ta thấy bên cạnh thế giới thực còn một thế giới chưa được biết tới, thế giới tâm linh. Trong tác phẩm Bùi Hiển, thế giới tâm linh không u ám, ma quái, mà giữa người sống và người chết có thể tương thông. Ở đó, người chết tìm cách báo cho người sống những mối nguy như bão biển để có thể tránh.

Xem thêm: Mua Online Áo Sơ Mi Nam Giá Cực Tốt Tháng 9, 2021, Thế Giới Áo Sơ Mi Nam Đẹp

Dù viết về đề tài nông thôn, thành thị, người trí thức tham gia chiến tranh… thì Bùi Hiển là một cây viết truyện ngắn có nghề. Nhà văn Nguyễn Trương Quý nói Ma đậu, Chiếc đồng hồ, Cái bóng cọc, Nằm vạ… đều là tiêu biểu cho mẫu hình thể loại. Các tác phẩm này có cấu trúc ngắn, gọn, nhưng luôn có chi tiết điển hình, nằm sâu với người đọc.

Bùi Hiển quan tâm tới chi tiết, ông coi chi tiết là linh hồn truyện ngắn. Tác phẩm của Bùi Hiển minh chứng rằng: Truyện ngắn có quy mô nhỏ nhưng có khả năng gây ấn tượng sâu, tạo khoái cảm với bạn đọc.

Nhà quản lý luôn chân tình, thấu hiểu bạn văn

Không chỉ để lại cho hậu thế những truyện ngắn ấn tượng, Bùi Hiển còn đóng góp cho tiến trình văn học hiện đại Việt Nam trong vai trò người quản lý. Sinh năm 1919 ở làng Phú Nghĩa Hạ, Quỳnh Lưu, Nghệ An, ông theo học trường Quốc học Vinh, tiếp xúc văn hóa Pháp.

*

Tháng 8/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở thành phố Vinh. Từ đó ông vừa sáng tác truyện ngắn, bút ký, dịch sách, vừa lần lượt đảm nhiệm các công việc: Chủ tịch Hội văn hóa Cứu quốc Nghệ An, Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Nghệ An, Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Liên khu IV, Phó tổng biên tập NXB Văn học, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam ba khóa đầu, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội nhà văn Việt Nam…

Bùi Hiển là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.

TS Nguyên An nói Bùi Hiển tham gia lãnh đạo văn nghệ không chỉ bằng sự sâu sát như một cán bộ chính trị - phong trào mẫn cán, có sức thuyết phục mà còn ở tư cách một văn nghệ sĩ am tường học thuật. Nhiều nhà văn cùng lứa với Bùi Hiển như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên… đều quý mến ông.

*
Độc giả đọc sách Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri.

“Với bản tính chan hòa của mình, cộng với sự chịu khó, để ý quan sát và học hỏi từ bạn nghề, nên sau này, ta thấy Bùi Hiển thật ân cần với mọi lứa tác giả. Ông đọc họ và tìm hiểu nhiều về họ qua các chặng đường, vì thế khi viết hay nói về các bạn văn, ông không cần nhiều lời, nhiều sự kiện kịch tính mà vẫn chỉ ra được những nét đặc sắc của các nhà văn này”, TS Nguyên An nhận định khi đọc tập Bạn bè một thuở của Bùi Hiển.

Những cuộc trò chuyện giữa các văn nhân, các bức thư họ gửi cho nhau còn lưu lại một Bùi Hiển chân tình với bạn văn. Trong một bức thư, nhà thơ Chế Lan Viên viết Bùi Hiển như một người “nâng đỡ về tinh thần cho lòng mình”. Nhà văn Tô Hoài thì nói giữa ông và Bùi Hiển đôi khi quan điểm trái chiều, “có lúc chúng tôi khác nhau, khác nhau nhiều đấy chứ… Nhưng tôi yên tâm khi có Bùi Hiển ở bên cạnh”, TS Nguyên An dẫn lời tác giả Dế mèn phiêu lưu ký.

Bài viết liên quan