BÁC HỒ LÀ VỊ CHA CHUNG

Share:
Đọc lại những vần thơ viết về Bác Hồ, trái tim ta không khỏi bồi hồi, xúc động. Và càng có ý nghĩa hơn trong dịp kỉ niệm sinh nhật lần thứ 127 của Người, chúng ta soi chung tấm gương lớn, gương mẫu học và làm theo Bác.

Bạn đang đọc: Bác hồ là vị cha chung


Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu từ cuộc đời thật bước vào tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ lạ kì: vừa giản dị, gần gũi, vừa vĩ đại thiêng liêng... Có thể khẳng định khó có hình ảnh nào có được sức lay động mạnh mẽ với người nghệ sĩ bằng hình ảnh Hồ Chủ tịch. Hình ảnh của Người không chỉ là nguồn cảm hứng trung tâm trong các sáng tác của các ca khúc, các bức hoạ, các tác phẩm điêu khắc, của các bộ phim… mà còn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo lớn, xuyên suốt trong một loại hình nghệ thuật xây dựng chủ yếu bằng chất liệu ngôn từ - văn học - với sự tiếp nhận đa diện của người đọc. Hình ảnh của Bác đã trở thành một hình tượng của văn học Việt Nam, đi sâu vào trong tiềm thức người dân. Hình tượng ấy không chỉ xuất hiện nhiều trong văn xuôi với tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, hồi kí mà đậm đặc nhất phải kể đến trong loại hình thơ ca cách mạng. Các nhà thơ viết về Người trong một sự kính trọng thiêng liêng. Hình ảnh của Người hoà quyện với hình ảnh của Đảng, hình ảnh của cách mạng. Hình tượng thân thuộc mà vô cùng giản dị ấy của vị Cha già dân tộc được lột tả một cách sâu sắc cùng với nguồn mạch viết về cách mạng.

*

Thơ ca Việt Nam theo chân Người trong cuộc ra đi tìm đường cứu nước rồi đến khi Người trở về Tổ quốc thân yêu, ít có nhà thơ nào lại viết được hay như Chế Lan Viên. Cảm xúc về cuộc hành trình của vị lãnh tụ được nhà thơ diễn tả thật xúc động:

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.

Người đi tìm hình của nước thực sự là hình tượng một vĩ nhân, một con người "đẻ đất, đẻ nước". Hành trình của con người yêu nước đi tìm đường cứu nước đâu phải là hành trình của một thi sĩ ham tiêu dao, du ngoạn, đi tìm hứng cho những tứ thơ bất hủ, hay đang tìm về cố hương với những đứt nối, mờ tỏ của bao kỷ niệm tuổi thơ. Đó là hành trình của một con người lớn lao đi tìm hình hài cho một nước Việt Nam mới: Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi, đi khắp những đất tự do, những trời nô lệ, những con đường cách mạng đang tìm đi... Trên hành trình gian nan vất vả ấy, Người đã đến với Lê-nin. Giờ phút tiếp nhận Luận cương của Lê-nin là một giờ phút trọng đại, không chỉ đối với cá nhân Người đang đánh đổi cả đời để tìm kiếm mà còn với cả số phận dân tộc. Giờ phút ấy thật linh thiêng và chứa đựng trong đó cái huyền bí của sự hóa thân sinh nở.

Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.

 

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc

"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"

Hình của Đảng lồng trong hình của nước

 Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.

Trong bài thơ “Cách mạng chương đầu”, tái hiện những tháng năm Bác về Pắc Bó, nhà thơ Chế Lan Viên có những khổ thơ thấm đượm chất anh hùng ca:

Dân tộc rét chưa che Người đủ ấm

Hang đá này Bác đắp chiếc chăn sui

Khớp xương buốt vì hơi rêu lạnh thấm

Gió rừng đừng thổi nữa, gió rừng ơi.

Những đêm ấy Bác thức cùng ngọn lửa

Thảo từng trang sử lớn cho đời

Tượng Mác trầm ngâm trong hình thạch nhũ

Rồi từng dòng từng chữ qua vai.

Lối sống giản dị của Người trong những năm gian khổ, cũng như khi hòa bình lập lại ở miền Bắc XHCN đã trở thành huyền thoại. Không chỉ thế, hình ảnh Bác với tình thương bao la của mình với toàn thể nhân dân, tình thương của Bác thể hiện thật sâu sắc. Minh Huệ đã phản ánh điều này trong bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" rất chân thực.

Rồi Bác đi dém chăn

Từng người từng người một

Sợ cháu mình giật thột

Bác nhón chân nhẹ nhàng.

Đó là sự chăm sóc ân cần với những người chiến sĩ. Còn đây là tình cảm của Người đối với đoàn dân công vất vả, thiếu thốn, chịu đựng gian khổ khó khăn vì cuộc kháng chiến dân tộc:

Bác thương đoàn dân công

Đêm nay ngủ ngoài rừng

Rải lá cây làm chiếu

Manh áo phủ làm chân

Trời thì mưa lâm thâm

Làm sao cho khỏi ướt

Càng thương càng nóng ruột

Mong trời sáng mau mau.

Tình thương của Bác thể hiện ở nhiều cung bậc khi là sự "nóng ruột" bồn chồn không ngủ được vì lo cho bộ đội, dân công, khi lại thao thức năm canh vì lo vận mệnh đất nước. Đặc biệt tình cảm Bác dành cho đồng bào Miền Nam thật sâu nặng nghĩa tình. Tố Hữu cho ta cảm nhận được điều đó trong bài "Bác ơi":

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha.

Quả là những tình cảm gắn bó máu thịt thiết tha. Nhà thơ Tố Hữu trong "Theo chân Bác" đã nói được niềm sâu thẳm trong tâm hồn Bác nỗi lòng hướng đến trẻ thơ, đến các cháu thiếu niên nhi đồng:

Ô! vẫn còn đây của các em

Chồng thư mới mở, Bác đang xem

Chắc Người thương lắm lòng con trẻ

Nên để bâng khuâng gió động rèm.

Xem thêm:

Tình thương luôn là vô hình nhưng lại hữu hình trong tình thương của Người với dân tộc. Một tình thương bao la rộng lớn mà ta cảm thấy và muôn triệu lớp lớp người Việt Nam đều cảm thấy ấm lòng khi nghĩ về vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh.

Ca ngợi Chủ Tịch là một trong những chủ đề lớn và thân thiết nhất của Tố Hữu. Từ Cách mạng tháng Tám cho đến những năm tháng cuối đời, nhà thơ vẫn viết về Bác với tất cả tấm lòng yêu kính, biết ơn, theo tiếng gọi của trái tim ông mà cũng để đáp lại phần nào những tình cảm mãnh liệt, không nén nổi của toàn thể dân tộc ta đối với vị lãnh tụ vĩ đại của mình. Bốn câu thơ lục bát náo nức mà hiền hoà mênh mang mở đầu Sáng tháng Năm giới thiệu rất tự nhiên cảnh sắc đất trời và tâm trạng tác giả trong một lần gặp Bác. Lòng người xao xuyến, mong đợi mà thanh thản, sáng trong. Ông đến thăm Bác Hồ, ngồi trước mặt Người, ngắm nhìn và lắng nghe Bác nói, miêu tả Bác trong sinh hoạt bình thường. Ước mơ, suy tưởng gắn liền với những cảm giác, cảm xúc cụ thể. Chính vì rất thật, rất sống cho nên hình ảnh Bác trong Sáng tháng Năm mới mẻ, đa dạng vừa có chiều sâu lại vừa bay bổng:

Bác ngồi đó, lớn mênh mông,

Trời xanh biển rộng tấm lòng nước non

Người hoà vào đất nước, lớn lao nhưng đồng thời cũng rất gần gũi, thân mật, ấm áp. Mà nét nổi bật nhất ở Bác, sức cảm hoá kì lạ của Bác lại chính là đức tính giản dị, tấm lòng hiến từ nhân hậu, phong thái thanh thản, ung dung. Trong lần in Sáng tháng Năm đầu tiên, Tố Hữu có nói đến cái cảm giác choáng ngợp khi đứng bên Bác. Điều này không phải là hoàn toàn vô căn cứ, bởi tiếp xúc với một người vĩ đại như Bác, người ta vẫn có một cảm giác gần gũi nhưng cũng không khỏi kinh ngạc, sửng sốt:

“Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kì…Ta bên Người, Người toả sáng trong ta ” “ Hồn biển lớn đón muôn đời thủ thỉ / Lắng từng câu, từng ý chưa thành” Chân dung của Bác trong Việt Bắc là sự kết hợp tuyệt đẹp giữa hình, tình và nhạc:

 Mình về với Bác đường xuôi

Thưa dùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi rừng núi trông theo bóng Người…

Trong Việt Bắc hình ảnh Bác ở cuối bài thơ trở thành điểm quy tụ mọi suy nghĩ và tình cảm bằng một tấm lòng yêu kính vô bờ bến đối với Người. Không những thế ta còn cảm nhận qua các bài thơ về Bác nhiều phong cách Hồ Chí Minh rất gần gũi, đặc biệt.

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Cuộc đời của vị Chủ tịch nước mà thanh đạm vô cùng.

Nhà gác đơn sơ một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

Giường máy chiếu cói đan chăn gối

Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn.

Ở Bác ta luôn thấy phong cách của một con người bình thường mà vĩ đại, một con người hiểu biết uyên thâm nhưng rất bình dị. Hình ảnh Bác với phong thái của mình sẽ mãi là bài ca yêu nước và tự hào dân tộc mà Viễn Phương đã viết lên bản tình ca về Bác thật sâu sắc, cảm động.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bẩy mươi chín mùa xuân. Người đã ra đi nhưng thơ ca Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam còn nhắc mãi tên Người:

Vì sao Trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người- Hồ Chí Minh

Như một niềm tin, như dũng khí

Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh.

Quả như vậy, hình ảnh Bác Hồ là hình của nước là muôn thế hệ sau vẫn ngợi ca tự hào, vẫn mãi là nguồn cảm hứng không nguôi cho mảnh đất văn nuôi dưỡng tâm hồn.

Đố ai đếm được lá rừng

Đố ai đếm được mấy tầng trời cao

Đố ai đếm được công lao Bác Hồ

Bác Hồ là vị cha chung

Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái Dương.

Bác Hồ là một hình tượng lớn, tiếp xúc với hình tượng Người, ta càng tăng thêm tấm lòng kính yêu đối với Bác. Hình tượng của Người được đan lồng trong hình ảnh của Đất Nước, của Đảng và Cách mạng. Những nhà thơ viết về Bác đã khai thác được vẻ đẹp trong tâm hồn cao cả của Người. Họ viết về một Hồ Chủ Tịch sáng suốt, anh hùng, kiên định với đầy đủ phẩm chất của một lãnh tụ. Cũng có khi họ lại viết về Bác trong những cách nhìn mộc mạc, gần gũi rất đỗi đời thường . Với những cái nhìn khá toàn vẹn và tiêu biểu về Người. Tuy mỗi tác giả viết về Bác Hồ trong những khoảng thời gian và nguồn cảm hứng sáng tạo khác nhau nhưng những dòng thơ của họ vẫn có những điểm chung : hình ảnh nổi bật của Bác vẫn hiện lên với nét trìu mến, gần gũi, giản dị bên cạnh vẻ đẹp tráng ca anh hùng. Hình ảnh của Bác hiện lên trong những trang thơ tráng ca ấy đẹp vô cùng, lung linh toả sáng một tình yêu bao la của Người đối với con dân nước Việt. Các nhà thơ đã diễn đạt khá trọn vẹn lòng yêu kính đối với người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất - Hồ Chí Minh.

Bài viết liên quan